3 cách dùng màu sắc để gia tăng chất lượng marketing
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận vai trò của màu sắc trong quảng cáo. Nhưng tuỳ thuộc vào chiến dịch muốn thực hiện, bạn có thể chọn màu khác so với màu được dùng
Một nghiên cứu gần đây do trường Đại học Bách khoa Valencia và Đại học Oxford thực hiện đã khẳng định vai trò của màu sắc trong cảm nhận của chúng ta về sản phẩm.
Trong một thí nghiệm, người tham gia được phục vụ sôcôla nóng đựng trong tách màu trắng, kem, đỏ và cam. Mặc dù chất lượng đồ uống đều như nhau, nhưng những người tham gia thử nghiệm đều nhất nhất cho rằng món sôcôla nóng trong ly màu kem hoặc màu cam có mùi vị thơm ngon hơn hẳn ly màu khác.
Có lẽ bạn chưa từng để ý đến điều này nhưng chúng ta thật sự cảm nhận thế giới bằng màu sắc trong mọi điều chúng ta làm thường ngày.
Thử tưởng tượng bạn truy cập vào một website có màu “choảng” nhau như xanh, cam và hồng, chắc chắc bạn khó có thể tập trung vào nội dung của trang web này và sớm thoát ra ngay. Ngược lại, những trang web có giao diện sáng sủa, màu sắc đơn giản nhưng hài hoà và hình ảnh sinh động như Apple.com sẽ giữ chân bạn lâu hơn.
Khi khách hàng tiềm năng tìm đến website của bạn, hoặc click vào banner quảng cáo, họ ra quyết định chỉ trong vài giây. Cách bạn phối hợp màu sắc có tác động đáng kể đến phản ứng của họ, do đó, việc chọn màu cho vật dụng tiếp thị của bạn rất quan trọng.
Dưới đây là ba cách bạn có thể tận dụng màu sắc để gia tăng hiệu quả marketing.
1. Trong xây dựng thương hiệu
Cách tạo dựng thương hiệu giúp tạo nên kỳ vọng của khách hàng vào công ty, từ đó họ sẽ quyết định có chọn bạn hay không. Theo Đại học Loyola, Maryland, màu sắc giúp gia tăng độ nhận biết thương hiệu đến 80%, vì thế, hãy chọn màu phù hợp nhất với ngành nghề của bạn.
Bạn có thể tham khảo ý nghĩa của một số màu sắc phổ biến bên dưới:
Xanh dương: thường tượng trưng cho sức khoẻ, tin cậy và lòng trung thành. Đây là màu được các hãng IMB, Lowe’s, AMEX và Hewlett-Packard dùng làm màu chủ đạo trong thiết kế logo và nhận diện thương hiệu.
Cam: thường gợi nên sự vui tươi, hào hứng, năng động, ấm áp và say mê. Đây là lựa chọn của Nickelodeon, Amazon, Fanta Soda, và Firefox.
Đỏ: tượng trưng cho năng lượng và sức mạnh. Đây là màu của tuổi trẻ và sự táo bạo. Các thương hiệu chuộng màu đỏ gồm có Coca-Cola, Virgin, Target và Netflix.
Xanh lá: là màu của sự thịnh vượng và thường được nhiều công ty tài chính như Fidelity, H&R Block và TDAmeritrade ưa chuộng. Đây cũng là màu tượng trưng cho thiên nhiên và sức mạnh tự nhiên, do đó nó cũng được các thương hiệu như Animal Planet, Greenpeace, Whole Foods, Starbucks, Tropicana và Monster Energy chọn.
Vàng: một trong những màu bắt mắt, thể hiện sự hạnh phúc, lạc quan, và thân thiện. Các logo thương hiệu màu vàng nổi tiếng phải kể đến McDonald’s, Hertz, Nikon, Best Buy và Ikea.
Hồng: thường được xem là màu của sự lãng mạng và nữ tính, tượng trương cho tình yêu và sự ấm áp. Các logo màu hồng nổi tiếng bao gồm PINK của Victoria’s Secret, Baskin Robin và Barbie.
Vì thế, bạn nên cân nhắc đến cá tính, bản sắc và giá trị thương hiệu khi lựa chọn màu sắc. Những gam màu phù hợp với thương hệu sẽ hỗ trợ rất lớn trong hoạt động marketing của bạn.
2. Trong thiết kế website và trang đích đến (landing page)
Website và landing page là địa điểm lý tưởng để thể hiện thương hiệu và tác động đến quyết định của khách hàng tiềm năng qua màu sắc. Đây là nơi có đủ “đất” để bạn sử dụng hài hoà các màu chủ đạo và hình ảnh sinh động.
Màu sắc còn giúp người xem “kết” ngay website và công ty của bạn. Theo CCICOLOR, con người thường phán đoán trong tiềm thức về người khác, môi trường xung quanh hoặc sản phẩm chỉ trong vòng 90 giây, và hết 90% các phán đoán này đều chỉ dựa trên màu sắc.
Ngoài ra, màu sắc của website và landing page còn đóng vai trò chính trong việc dẫn dắt người xem đi đến những hành động cụ thể. Theo Color Marketing Group, có đến 85% khách mua hàng chỉ ra màu sắc là lý do chính để họ quyết định có mua sản phẩm hay không.
3. Trong quảng cáo
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận vai trò của màu sắc trong quảng cáo. Nhưng tuỳ thuộc vào chiến dịch muốn thực hiện, bạn có thể chọn màu khác so với màu được dùng trong hệ thống nhận diện. Ví dụ, nếu chiến dịch của bạn có liên quan đến việc nâng cao nhận thức về một vấn đề xã hội nào đó, bạn có thể chọn màu liên quan đến vấn đề đó như màu hồng trong các chiến dịch liên quan đến phòng chống ung thư vú. Nếu chiến dịch được tung ra vào dịp lễ, bạn có thể chọn màu liên quan đến ngày lễ đó như màu xanh và đỏ cho chiến dịch sale mùa Noel chẳng hạn. Nhìn chung, bạn sẽ cần cân đối nhiều yếu tố khác nhau để chọn được màu sắc phù hợp trong quảng cáo.
Bên cạnh đó, màu chủ đạo dùng trong quảng cáo cần phải hài hoà với màu được dùng trên landing page (trong trường hợp quảng cáo có dẫn đến landing page). Nếu không, người xem sẽ có trải nghiệm không tốt và dễ rời bỏ trang của bạn. Cuối cùng, với banner quảng cáo online, bạn cần xem xét đến các yếu tố khác như giao diện của trang đặt quảng cáo, các quảng cáo khác trên cùng trang, v.v. sao cho banner của bạn không bị chìm.
Leave a Reply